5 sai lầm trong dùng thuốc ở người cao tuổi

 

Dùng nhiều thuốc

Người cao tuổi thường mắc hai hay nhiều chứng bệnh cùng một lúc. Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi như viêm khớp dạng thấp, gout, loãng xương, tim mạch, viêm loét dạ dày, đau nhức, mất ngủ. Một số người cao tuổi thường tự chữa theo kiểu “đau đâu chữa đó”. Ví dụ, người bệnh  mới bị viêm loét dạ dày, dùng cimetidin lại bị cơn gout bột phát và tự dùng kháng viêm không steroid, dùng thuốc ngủ  seduxen. Kháng viêm không steroid làm nặng thêm bệnh dạ dày, có khi gây chảy máu dạ dày. Seduxen chưa cần lắm nếu chữa khỏi cơn bột phát gout không còn đau nhức thì ngủ được song lại có tương tác với cemitindin tăng tác dụng buồn ngủ, giảm trí nhớ, lú lẫn, đi lại dễ bị té ngã. Nếu người cao tuổi có sẵn bệnh loãng xương thì dễ gây tai biến gãy xương.

Hay tự thay đổi thuốc

Bệnh ở người cao tuổi phần lớn là mạn tính, có lúc bột phát, có lúc yên lặng. Dùng thuốc để đưa bệnh về trạng thái ổn định đã là tốt song đa số người cao tuổi muốn chữa dứt bệnh nên cứ nghe có thầy hay thuốc mới thì lại muốn đổi thuốc, không kiên trì theo một liệu trình điều trị căn bản nào cả. Chẳng hạn khi tuổi cao thường bị đục nhân mắt. Trong giai đoạn đầu, có thể dùng một số thuốc chống ôxy hóa làm chậm quá trình ấy. Nhưng đến một giai đoạn nào đó phải mổ thay bằng nhân mắt nhân tạo. Nhiều người tin vào lời mách bảo, cứ dùng hết thuốc bổ mắt, sáng mắt này lại sang thuốc bổ mắt sáng mắt khác mà không khám chuyên khoa mắt định kỳ, mổ đúng lúc. Kết quả bị mù do đục nhân mắt.

Dùng liều không thích hợp

Một số người cao tuổi có tỷ lệ mỡ cao (béo sinh lý). Nếu tiêm thuốc vào bắp thịt, thuốc nằm trong mỡ khó hấp thu, phân tán nên phải dùng với liều cao. Ví dụ: Khi người cao tuổi bị viêm phổi cấp phải tiêm bắp một liều penicillin cao hơn người trung niên mới có hiệu quả, nếu dùng liều thấp hơn sẽ không đáp ứng.

Gan là nơi chuyển hóa, thải độc. Thận là nơi thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể. Ở người cao tuổi, chức năng gan, thận bị suy giảm (có khi đến 30-50%), vì thế sẽ không làm tốt nhiệm vụ này. Với các thuốc chuyển hóa tại gan, thải trừ qua thận thì việc suy giảm này sẽ làm tăng nồng độ thuốc trong máu. Nếu thuốc có tính tích lũy thì mức tăng càng cao hơn, làm tăng hiệu lực (quá mức yêu cầu) tăng cả độ độc nguy hiểm, giống  như khi dùng quá liều.

Trong số thuốc này cần lưu ý đến các nhóm: Nhóm chủ yếu chuyển hóa tại gan, chậm thải trừ như thuốc tâm thần kinh (phenobarbital, diazepam, phenylbutazon), thuốc chống lao (isoniazid). Nhóm chuyển hóa mạnh ở gan như thuốc giảm đau (morphin, pethidin, dolargan, paracetamol), thuốc chống động kinh (chlopromazin), một số thuốc phong bế beta (propanolol, alprenolol). Nhóm không qua chuyển hóa tại gan, thải trừ chỉ dựa vào thận như kháng sinh (aminozid, tetracyclin), trầm cảm (lithium). Nhóm mà khoảng cách giữa liều điều trị và liều độc quá hẹp như thuốc tim mạch (digitoxin, wafarin, quinidin),  rối loạn lipid máu (clofibrat), đái tháo đường týp 2 (các sufonylure), thuốc trị lao (ethambutol), thuốc lợi tiểu (furosemid )...

Người cao tuổi khi dùng các thuốc này phải điều chỉnh, hạ liều xuống theo kinh nghiệm của thầy thuốc hoặc có thuốc phải tính toán mức hạ liều chặt chẽ theo hệ số thanh thải creatinin. Có trường hợp liều thuốc ở người cao tuổi hạ xuống chỉ còn bằng 50% liều ở người trung niên, khỏe mạnh. Nhãn, tờ thông tin thuốc chỉ ghi tổng quát liều người lớn nên khi dùng thuốc, người cao tuổi cần hỏi thầy thuốc về liều lượng để tránh tai biến.

Dùng quá nhiều thuốc bổ

Người cao tuổi dùng thuốc bổ dưỡng mong đỡ bệnh tật, tăng tuổi thọ nhưng lạm dụng cũng có hại. Vitamin A giúp người già có da dẻ tốt, đỡ nhiễm khuẩn, chậm già hóa… song nếu bổ sung mỗi ngày 5.000IU thì lại gây hại xương. Vitamin D, calci giúp kiến tạo xương song nếu bổ sung quá thừa sẽ làm tăng calci-máu, có hại  cho tim mạch. Magiê cùng với kali, natri, calci làm nên hệ cân bằng điện giải, điều tiết các chức năng hoạt động của cơ tim, làm giãn mạch, có lợi cho bệnh tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành; làm chậm dẫn truyền thần kinh, có lợi  trong việc giảm tính chịu kích thích, giảm rối loạn hoạt động cơ... song nếu bổ sung nhiều magie, hay uống thuốc chữa đau dạ dày chứa quá nhiều magie sẽ tăng magie-máu. Nếu không điều trị tích cực thì sẽ bị nôn ói, thậm chí có thể bị tử vong. FDA đã có các cảnh báo về việc này. Người cao tuổi chỉ nên dùng thuốc bổ dưỡng khi cần, với liều lượng, đợt dùng thích hợp, không dùng liều cao, kéo dài. 

Dùng sai thuốc tăng tính dục

Các hormon, chức phận, trong đó hormon chức phận sinh dục hoạt động phối hợp với nhau chặt chẽ, nhịp nhàng với cường độ tương thích theo lứa tuổi. Người còn trẻ, toàn cục khỏe mạnh mà testosteron giảm xuống dưới ngưỡng bình thường, mất hứng thú tình dục; máu không đến thể hang gây rối loạn cương là bệnh lý cần chữa bằng testosteron hay viagra theo chỉ định của thầy thuốc nam khoa. Người cao tuổi suy giảm toàn bộ hệ thống hormon, chức phận thì việc suy giảm ham muốn tình dục, không cương dương là biểu hiện sinh lý tuổi già, theo qui luật tự nhiên, không thể đảo ngược được. Một số ít người cao tuổi tự ý dùng testosteron, viagra với mong mỏi phục hồi lại phong độ khi toàn cục đã suy yếu là trái với chỉ định. Nếu người đó có sẵn bệnh tim mạch thì rất dễ bị đột tử. Trong 2 năm đầu tiên, viagra đưa vào thị  trường, theo Trung tâm giám sát Upasalla (Thụy Điển), có tới 616 trường hợp tử vong tim mạch có liên quan đến dùng thuốc này, trong đó đa số là tự dùng không đúng chỉ định. Bản thân thuốc không có lỗi mà lỗi thuộc về người dùng không đúng.

Một số cách dùng thuốc chưa hợp lý trên cần được chính người cao tuổi nhận thức lại và chủ động  khắc phục.

Theo Sức khỏe và đời sống

 

Các bài liên quan


Lên đầu trang